Lĩnh vực ngành nghề

Câu 1. Ở Việt Nam những ngành nghề nào tự do kinh doanh không cần điều kiện?  (Bác Lê Thành, Ba Đình, Hà Nội)   12/8/2024 

Trả lời:

Ở Việt Nam chúng ta có 03 Danh mục: Danh mục ngành nghề cấm, Danh mục ngành nghề có điều kiện, và Danh mục ngành nghề hạn chế nước ngoài. Nếu ngành nghề mà chúng ta kinh doanh không nằm trong 2 Danh mục đầu (hoặc 3 Danh mục nếu có vốn FDI) thì không vướng điều kiện hạn chế gì (tự do kinh doanh).

Ngành nghề cấm gồm 8 ngành (các chất ma túy, hóa khoáng vật cấm, động thực vật quý, mua bán người mô, sinh sản vô tính trên người, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, mại dâm, pháo nổ). Ngành nghề có điều kiện gồm 227 ngành. Ngành nghề hạn chế nước ngoài gồm 84 ngành. Nếu như trong số 84 ngành hạn chế nước ngoài trên mà trái với Hiệp định thì áp dụng Hiệp định.


Câu 2. Ở Việt Nam những ngành nghề nào được Nhà nước ưu đãi đầu tư?    12/8/2024 

Trả lời:

Ở Việt Nam có bốn nhóm ngành được ưu đãi đầu tư: Khoa học công nghệ, Nông nghiệp, Môi trường, Văn hóa xã hội. Bạn có thể xem cụ thể danh mục các ngành nghề này tại bài chuyên đề Lựa chọn áp dụng ưu đãi đầu tư.


Câu 3. Tôi muốn tra các ngành nghề của doanh nghiệp tôi thì tra ở đâu?  (Công ty dệt may thời trang Quân Thảo, Hà Nội)   30/8/2024 

Trả lời:

Từ Luật Doanh nghiệp 2014, ngành nghề không còn là một nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc kiểm tra các ngành nghề có nhiều cách mà cách dễ nhất là tra trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (NBRP).


(Ngành nghề của một doanh nghiệp khi tra trên Cổng NBRP)


Câu 4. Hướng dẫn tôi kê khai mã ngành bán đồ cổ  (Anh Trung Quân, Đông Anh, Hà Nội)   30/8/2024 

Trả lời:

Cảm ơn anh Quân đã có câu hỏi gửi về Luật Boss. Theo Hệ thống VSIC, ngành bán đồ cổ được phân về mã 47749. Ngoài ra để phong phú hơn hoạt động bán các tác phẩm, anh Quân có thể ghi thêm mã 4773. Kê khai như sau:

TT

Tên ngành

Mã ngành

1

Bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng trong các cửa hàng chuyên doanh
Chi tiết: Bán lẻ đồ cổ

4774

2

Bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh
Chi tiết: Bán lẻ tranh, ảnh và các tác phẩm nghệ thuật khác (trừ đồ cổ) trong các cửa hàng chuyên doanh

4773


Câu 5. Ghi mã ngành CPC trong Biểu cam kết WTO khi làm thủ tục đăng ký đầu tư theo phiên bản cũ hay phiên bản 2.1?  (Minh Tâm, Luật sư, Hà Nội)   30/8/2024 

Trả lời:

Theo Danh sách phân loại dịch vụ số MTN.GNS/W/120 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lĩnh vực dịch vụ được chia thành 11 ngành chính (sector), mỗi ngành chính lại phân tiếp thành nhiều ngành nhỏ hơn được gọi là phân ngành (sub-sector), tổng cộng bao gồm 155 phân ngành. Do tài liệu của W/120 của WTO chỉ liệt kê tên ngành/phân ngành, không giải thích nội dung cụ thể nên để thống nhất cách hiểu cho từng ngành/phân ngành, người ta phải viện dẫn đến Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (Provisional Central Product Classification - PCPC) năm 1991 của Liên hợp quốc. Vì vậy, mỗi ngành/phân ngành dịch vụ đưa vào Biểu cam kết đều có một mã số PCPC mà trước đây, trong đàm phán, để thuận tiện, người ta thường ghi ngắn gọn là CPC. Việc ghi ngắn gọn như vậy đôi khi có thể gây nhầm lẫn giữa 2 tài liệu là PCPC (được sử dụng để đàm phán) và CPC (được sử dụng cho mục đích thống kê), đều do Liên hợp quốc ban hành.

Tại Đoạn 85 tài liệu Phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời số ST/ESA/STAT/SER/M/787/Ver.21 được ban hành năm 2015, Liên hợp quốc cũng đã cung cấp một số thông tin thêm như sau: “... W/120 xác định các ngành và phân ngành liên quan và cho phép các thành viên đưa ra các cam kết cụ thể. Cần lưu ý rằng các Thành viên WTO có xu hướng tránh những thay đổi lớn trong danh sách này để đảm bảo tính ổn định và khả năng so sánh tính tương thích của các cam kết theo thời gian, ngay cả khi các phân loại thống kê quốc tế có liên quan đã được sửa đổi. Danh sách W/120 được xây dựng dựa trên PCPC. Những thay đổi trong các phiên bản tiếp theo của CPC không dẫn đến việc chuyển đổi các cam kết hiện tại trong GATS mà vẫn tiếp tục dựa trên PCPC.”.

Khi kê khai trên biểu mẫu đăng ký đầu tư chị Tâm có thể ghi hoặc không ghi mã CPC, nếu ghi mã CPC đối với ngành nghề lấy trong Biểu WTO chị sử dụng Danh sách MTN.GNS/W/120 và viện dẫn đến PCPC 1991.


Câu 6. Tôi là phó nháy và là chủ một studio, do khách cần xuất hóa đơn VAT nên tôi muốn nâng cấp lên thành công ty. Tôi muốn biết nghề nhiếp ảnh có cần điều kiện kinh doanh không và mã ngành là gì?  (Anh Tú, Cửa Bác, Hà Nội)   06/9/2024 

Trả lời:

Cảm ơn anh Tú đã có câu hỏi gửi về Luật Boss. Hoạt động nhiếp ảnh không thuộc danh mục ngành nghề cần có điều kiện. Mã ngành kê khai như sau:

TT

Tên ngành

Mã ngành

1

Hoạt động nhiếp ảnh

7420


Câu 7. Tôi có nhà cho thuê làm văn phòng, đây có phải là kinh doanh bất động sản không và tôi có bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp không?  (Chú Chính, Quảng Ninh)   13/9/2024 

Trả lời:

Chú Chính cho thuê nhà có phát sinh lợi nhuận nên được coi là kinh doanh bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản quy định trường hợp cá nhân được miễn thành lập doanh nghiệp nếu họ "kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ" nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Chú Chính kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ (số lần giao dịch không quá 10 lần trong một năm và giá trị không quá 300 tỷ đồng/1 hợp đồng, và cũng không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư) nên chú không phải thành lập doanh nghiệp.


Câu 8. Mở salon tóc thì có phải đăng ký kinh doanh không?  (Cô Đào, Cầu Giấy, Hà Nội)   13/9/2024 

Trả lời:

Theo quy định hiện nay thì cá nhân mở dịch vụ cắt tóc không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh. Về mặt thuế thì cô Đào lưu ý giúp cháu là cần nộp thuế TNCN nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Luật Boss